4 Nguyên nhân xe ô tô ra khói đen
Ngày:15/04/2024 lúc 09:19AM
Xe ô tô ra khói đen là dấu hiệu nhiên liệu trong buồng đốt không được đốt cháy hết. Nếu hiện tượng này diễn ra trong thời gian dài, cần đưa xe đi kiểm tra và sửa chữa kịp thời. Hiện tượng xe ô tô ra khói đen là dấu hiệu cho thấy nhiên liệu trong buồng đốt không được đốt cháy triệt để. Đây cũng là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên, nếu hiện tượng xe ra khói đen diễn ra trong thời gian dài đồng nghĩa với việc xe đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, cần kiểm tra và xử lý ngay.
Lọc gió động cơ bị tắc gây khói đen xe ô tô
Nguyên nhân xe ra khói đen có thể là do bộ phận lọc gió động cơ của xe bị bám nhiều bụi bẩn, động cơ thiếu oxy để xúc tác cho quá trình đốt cháy nhiên liệu trong buồng đốt. Điều này dẫn đến tình trạng nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn, khí thải ra ngoài tạo nên khói đen.
Để khắc phục tình trạng này, chủ xe cần kiểm tra bộ phận lọc gió động cơ. Nếu bị dính nhiều cặn bẩn gây tắc nghẽn, cản trở quá trình lọc không khí thì cần vệ sinh lọc gió càng sớm càng tốt. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, lọc gió ô tô cần được vệ sinh mỗi 5.000 km và thay mới sau 20.000 km. Tùy vào điều kiện di chuyển, chủ xe có thể tiến hành vệ sinh lọc gió sớm hơn. Trong trường hợp lọc gió động cơ bị rách hay ẩm mốc thì nên thay thế lọc gió mới.
Bugi bám muội có thể là nguyên nhân xe ra khói đen
Lọc gió động cơ hoạt động không tốt, lâu ngày không được vệ sinh hay thay thế sẽ khiến bugi bám muội và các cặn bẩn. Khi đánh lửa, ống xả ô tô sẽ sản sinh ra khói màu đen.
Với trường hợp này, chỉ cần kiểm tra và vệ sinh lọc gió, sau đó thay thế bugi mới cho xe. Điều này vừa khắc phục hiện tượng xe ra khói đen, vừa giúp bộ đánh lửa xe hoạt động tốt hơn.
Nhiên liệu kém chất lượng gây khói đen
Nếu không may sử dụng nguồn nguyên liệu bẩn, lẫn tạp chất... thì quá trình đốt cháy sẽ không đạt hiệu quả cao. Điều này dẫn đến lượng nhiên liệu không được đốt cháy hết trong buồng đốt động cơ, thải qua đường ống xả tạo ra khói đen. Ngoài ra, nếu xe thường xuyên sử dụng nguồn nhiên liệu kém chất lượng còn gặp phải một số vấn đề khác như máy nổ không đều, xe giật cục khi đạp ga, nóng máy hay thậm chí là chết máy đột ngột khi đang di chuyển.
Thông thường, nhiên liệu bẩn hoặc bị pha lẫn tạp chất rất khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì vậy, nếu chiếc xe có một trong những dấu hiệu trên, cần đưa xe đến các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng để kiểm tra và tiến hành hút bỏ toàn bộ lượng nhiên liệu kém chất lượng bên trong ra. Sau đó vệ sinh sạch sẽ cả kim phun nhiên liệu, bơm phun nhiên liệu và buồng đốt xi-lanh để loại bỏ hết lượng nhiên liệu bẩn còn sót lại.
Lọc nhiên liệu bị tắc
Khi lọc nhiên liệu bị tắc, lượng nhiên liệu bơm vào buồng đốt không được đảm bảo dẫn đến sự hòa khí kém hiệu quả. Nhiên liệu dễ bị cháy sớm hoặc cháy trễ gây ra tình trạng không cháy hết, dẫn đến xe ô tô ra khói đen. Ngoài ra, lọc nhiên liệu tắc còn gây tốn nhiên liệu, tiếng ồn động cơ to, không khởi động được xe...
Lọc nhiên liệu cũng cần được vệ sinh thường xuyên để tẩy sạch các cặn bẩn, từ đó việc cung cấp nhiên liệu cho động cơ sẽ luôn được đảm bảo. Nên thay lọc nhiên liệu mới khi xe vận hành được 40.000 km. Tuy nhiên, tùy từng hãng xe và điều kiện vận hành mỗi xe, lọc nhiên liệu cần được vệ sinh hoặc thay mới sau quãng đường và thời gian sử dụng nhất định.
Kim phun nhiên liệu bị tắc
Một nguyên nhân nữa khiến xe ô tô ra khói đen là do hệ thống phun nhiên liệu gặp trục trặc. Kim phun nhiên liệu sau thời gian dài sử dụng sẽ bị bám cặn bẩn, tạp chất, muội than… dẫn đến đầu phun nhiên liệu bị tắc, khiến lượng nhiên liệu được đưa vào buồng đốt động cơ không đủ. Quá trình đốt cháy không diễn ra hiệu quả, gây sai lệch về lưu lượng, áp suất và thời điểm, lâu dài sẽ đóng cặn trong buồng đốt. Lượng nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn cùng lớp cặn trong buồng đốt sẽ gây ra khói đen. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành của động cơ và tuổi thọ các chi tiết máy.
Nếu vấn đề nằm ở bộ kim phun nhiên liệu, cần kiểm tra và vệ sinh kim phun. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia và nhà sản xuất ô tô, kim phun nên được vệ sinh sau mỗi 15.000 – 20.000 km vận hành. Tùy vào điều kiện vận hành mà chủ xe có thể vệ sinh sớm hơn hoặc tiến hành thay thế bộ kim phun mới, giúp xe vận hành êm ái, tiết kiệm nhiên liệu.
Bơm cao áp nếu bị tắc sẽ gây khói đen xe ô tô
Bơm nhiên liệu/bơm cao áp khi bị tắc sẽ khiến áp suất bị yếu đi, không đảm bảo đủ lượng nhiên liệu cần thiết cho buồng đốt động cơ, nhiên liệu không được hòa trộn tốt với không khí và cháy không hết, tạo ra lượng lớn khí thải màu đen.
Sau thời gian dài sử dụng, bơm nhiên liệu có thể bị trục trặc do bám bẩn, hao mòn hay thường xuyên phải làm việc quá tải. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống bơm nhiên liệu ô tô khá bền nên nếu kiểm tra thấy trục trặc nặng mới cần thay thế. Ngoài ra, khi tiến hành vệ sinh bơm cao áp, cần vệ sinh hoặc thay thế hoàn toàn lọc nhiên liệu và kim phun.
Piston động cơ bị mòn có thể gây khói đen xe ô tô
Vòng piston được thiết kế để ngăn chặn sự thẩm thấu của dầu động cơ vào bên trong buồng đốt. Trong quá trình vận hành, do bị ăn mòn hóa học của khí cháy và dầu bôi trơn cùng lực ma sát giữa các piston và xi lanh trong quá trình làm việc, piston sẽ bị mòn khiến dầu động cơ bắt đầu chảy vào buồng đốt. Quá trình đốt cháy hỗn hợp của dầu động cơ và nhiên liệu là nguyên nhân khiến xe ô tô ra khói đen.
Những hư hỏng của piston gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến động cơ, có thể khiến động cơ phải ngừng hoạt động. Vì vậy, để xử lý lỗi về piston động cơ, cần phải đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng xe uy tín chứ không nên tự thực hiện tại nhà.
Xe ô tô ra khói đen không phải hiện tượng hiếm gặp nhưng không nên để tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến công suất của xe. Vì vậy nên kiểm tra xe thường xuyên và có kế hoạch bảo dưỡng định kỳ, phát hiện sớm các vấn đề để kịp thời xử lý.
>> Tìm hiểu ngay: 19 Lỗi thường gặp trên xe ô tô