Mẹo xử lý kính lái bị trầy xước, bị nứt
Ngày:13/04/2024 lúc 14:38PM
Kính lái bị trầy xước, bị nứt nếu không sớm được xử lý khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn người lái, thậm chí có thể gây nguy hiểm.
Nguyên nhân kính lái bị trầy xước
Có nhiều nguyên nhân kính lái ô tô bị trầy xước. Trong đó thường gặp nhất là do sử dụng gạt mưa đã xuống cấp. Bởi gạt mưa bị lão hoá, chai cứng, mòn cùn sẽ rất dễ cào trầy xước bề mặt kính lái ô tô.
Bề mặt kính lái rất dễ bám bụi bẩn, thậm chí đất cát. Nếu không phun nước mà chỉ bật cần gạt thì bụi bẩn, đất cát sẽ chà xát lên bề mặt kính khiến kính bị xước. Ngoài ra tẩy ố mốc kính không đúng cách, lau rửa vệ sinh kính không đúng cách, sử dụng khăn hay giấy ráp thô cứng để làm sạch mặt kính cũng có thể làm kính chắn gió ô tô bị trầy xước.
Khi kính lái bị trầy xước, kính sẽ mờ hơn, độ trong và độ sáng bóng không đồng đều như trước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tầm nhìn của người lái, nhất là khi chạy xe trời tối, chạy xe trời mưa… Nếu có ánh nắng hay ánh đèn chiều vào chỗ trầy xước sẽ dễ gây loá, chói mắt hơn. Ngoài ra, kính lái bị trầy xước còn khiến nước mưa đọng trên mặt kính khó trôi hơn.
Cách xử lý kính lái bị xước
Có nhiều mẹo xử lý kính lái bị xước được truyền tai nhau như sử dụng kem đánh răng, dùng sơn móng tay… Tuy nhiên thực tế các cách này ít khi xoá xước hiệu quả. Theo các chuyên gia, cách xử lý kính lái bị xước hiệu quả nhất là đánh bóng xoá xước bằng hoá chất đánh bóng xoá xước kính ô tô chuyên dụng. Hoá chất này thường có thành phần Cerium Oxit. Đây là chất chuyên dụng dùng để đánh bóng xoá xước các bề mặt kính, thuỷ tinh. Đánh bóng kính lái không chỉ giúp xoá xước mà còn xoá cả các vết ố vàng, giúp phục hồi độ trong, độ sáng bóng của kính.
Các loại hoá chất đánh bóng kính xe hiện nay được bán rất phổ biến ở dạng kem, sáp, bột, dung dịch đánh bóng… Trên thị trường còn có cả bộ đánh bóng xoá xước kính với đầy đủ dụng cụ như len xi/len nỉ đánh bóng, dung dịch đánh bóng…
Hướng dẫn cách đánh bóng xoá xước kính lái ô tô:
Bước 1: Vệ sinh sạch bề mặt kính lái
Bước 2: Phun nước làm ướt kính lái
Bước 3: Lắc đều chai kem/dung dịch đánh bóng kính và thoa/phun đều lên bề mặt kính
Bước 4: Sử dụng máy đánh bóng bề mặt kính trong khoảng 10 phút, lưu ý giữ bề mặt kính luôn ướt trong quá trình đánh bóng
Bước 5: Dùng khăn mịn lau sạch mặt kính
Cách xử lý kính chắn gió bị nứt
Ngay khi phát hiện kính lái bị nứt nên dùng băng keo để dán lại vết nứt. Điều này giúp ngăn bụi bẩn lọt vào vết nứt. Hiện nay có hai cách xử lý kính lái bị nứt đó là hàn kính hoặc thay kính mới. Tuỳ theo tình trạng vết nứt mà có thể chọn cách xử lý phù hợp.
Các kiểu vết nứt kính lái
Các kiểu vết nứt như nứt bề mặt (surface chip), mắt bò (bullseye), bán nguyệt (half moon) thường không nguy hiểm nhiều do chỉ nứt bề mặt, vết nứt không sâu. Kiểu vết nứt này có thể xử lý bằng cách hàn kính. Tuy không nguy hiểm nhưng khi gặp vết nứt này cũng nên khắc phục càng sớm càng tốt. Bởi nếu để lâu, bị ngoại lực tác động vết nứt có thể chuyển sang dạng nguy hiểm hơn.
Các kiểu vết nứt như nứt đôi cánh (angel wings), ngôi sao (star) nên được xử lý càng sớm càng tốt bởi không chỉ tổn hại ở bề mặt mà tổn hại sâu hơn. Đa phần kiểu vết nứt này có thể xử lý bằng cách hàn kính. Tuy nhiên nếu không sớm khắc phục vết nứt sẽ dễ chuyển sang dạng nguy hiểm, khó xử lý hơn, có thể phải thay cả tấm kính.
Các kiểu vết nứt như nứt thẳng (straight crack), sao nổ (star burst), tia mở rộng trên mắt bò (extended ray on bullseye) rất nguy hiểm, cần xử lý ngay lập tức vì vết nứt này rất sâu. Với kiểu vết nứt này để an toàn nên chọn thay kính mới.
Vị trí và kích thước vết nứt
Vị trí và kích thước vết nứt cũng sẽ quyết định cách xử lý kính lái bị nứt nào là phù hợp nhất. Vết nứt càng nhỏ càng dễ xử lý. Thông thường, vết nứt có độ dài dưới 15 cm thì khả năng thành công khi xử lý bằng phương pháp hàn kính là khá cao.
Tuy nhiên vị trí vết nứt cũng rất quan trọng. Vết nứt càng nằm gần rìa thì sẽ càng nguy hiểm. Do đó nếu vết nứt cách rìa dưới 4 cm thì tốt nhất nên thay kính mới. Vết nứt nếu nằm ngay vị trí trung tâm cũng nên thay kính mới vì dễ ảnh hưởng đến tầm nhìn người lái.
Thay kính lái mới
Thay kính chắn gió mới khi kính bị nứt được xem là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên thay kính mới sẽ tốn kém nhiều chi phí hơn (trong trường hợp không áp dụng bảo hiểm xe). Giá kính chắn gió ô tô chính hãng hiện từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tuỳ theo xe. Mặt khác khi thay kính mới thì việc lắp chính xác, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cũng khó được như kính nguyên bản. Vì thế nếu thay kính chắn gió mới nên ưu tiên thay kính trong hãng.
Hàn kính
Hàn kính là sử dụng keo để dán lấp vết nứt. Trước khi hàn kính, thợ sẽ vệ sinh sạch vết nứt. Sau đó bơm keo để hàn lấp vào vết nứt. Tuỳ vào màu sắc kính, điều kiện môi trường và tình trạng vết nứt mà thợ sẽ chọn loại keo hàn phù hợp.
Với cách hàn kính thì chi phí xử lý sẽ ít tốn kém hơn. Giá hàn kính chắn gió ô tô thường chỉ từ vài trăm đến hơn triệu đồng. Nhưng hàn kính chỉ có thể áp dụng với vết nứt nhẹ. Những vết nứt sâu sẽ khó xử lý được. Ngoài ra hàn kính còn đòi hỏi thợ phải có trình độ và kinh nghiệm cao. Do đó nếu muốn hàn kính lái ô tô nên chọn các địa chỉ hàn kính xe uy tín, hoạt động lâu năm.