Khi nào ô tô bị lật?
Ngày:13/04/2024 lúc 15:08PM
Có nhiều nguyên nhân khiến ô tô bị lật. Tuy các xe ngày nay có nhiều công nghệ an toàn hiện đại nhưng vẫn khó thể đảm bảo không bị lật.
Khi nào ô tô bị lật?
Xe ô tô bị lật sẽ có hai trường hợp: lật ngang và lật dọc.
Ô tô lật ngang
Ô tô lật ngang thường xảy ra trong những tình huống xe vào cua, rẽ gấp, bẻ ngang đột ngột… Khi xe vào vị trí vòng cua sẽ chịu ảnh hưởng bởi 3 loại lực: trọng lực, lực ly tâm (lực quán tính) và lực từ mặt đường tác động lên lốp xe.
Lực ly tâm (hay lực quán tính) hướng ra ngoài tâm quay. Lực này phụ thuộc vào vận tốc của xe. Trong khi lực từ mặt đường tác động lên lốp xe lại hướng vào tâm quay. Nếu lực hướng ra ngoài (lực ly tâm) lớn hơn lực hướng vào trong thì ô tô sẽ có xu hướng lật ra ngoài cung quay vòng.
Xe ô tô sẽ bị lật khi lực ly tâm và lực từ mặt đường tác động lên lốp lớn hơn trọng lực của xe. Đây chính là lý do vì sao xe trọng tâm càng cao càng dễ bị lật (như SUV, xe bán tải, xe tải…) hơn các xe trọng tâm thấp (như sedan hay hatchback).
Ngoài ra, xe ô tô bị lật ngang cũng có thể do chạy trên đường có độ nghiêng quá lớn. Khi này trọng lực vốn tác động theo phương thẳng sẽ bị lệch góc. Góc lệch càng lớn thì xe càng dễ lật. Chỉ cần lực kéo xuống lớn hơn lực bám của lốp xe là ô tô bị lật.
Ô tô bị lật dọc
Ô tô bị lật dọc thường xảy ra trong trường hợp xe đâm trực diện vào chướng ngại vật với tốc độ cao. Khi này vật cản bị đâm đóng vai trò là tâm quay, còn lực quán tính sẽ khiến xe quay quanh vật cản. Do lực quán tính tỉ lệ thuận với tốc độ nên xe chạy càng nhanh càng dễ bị lật.
Bên cạnh đó xe còn có thể lật khi chạy ở đường dốc quá lớn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng đường có độ dốc trên 38% dễ khiến ô tô bị lật.
Các nguyên nhân lật xe ô tô
Có nhiều nguyên nhân ô tô bị lật, trong đó phổ biến có thể kể đến:
Tốc độ cao
Vì lực quán tính tỉ lệ thuận với tốc độ, nên tốc độ càng cao lực quán tính càng lớn. Khi lực quán tính lớn hơn trọng lực thì xe sẽ bị lật. Theo thống kê của Cục an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) có đến 40% vụ ô tô bị lật liên quan tới việc chạy xe tốc độ cao. Trong đó 75% vụ lật xe xảy ra khi xe chạy từ 80 km/h trở lên.
Dòng xe – loại xe
Như đã phân tích ở trên, trọng tâm xe càng cao thì càng dễ bị lật. Do đó những dòng xe cao lớn hay gầm xe cao như xe SUV, bán tải, MPV, xe buýt, xe tải… thường dễ lật hơn các dòng xe gầm thấp như sedan, hatchback…
Điều kiện đường sá
Điều kiện đường sá cũng ít nhiều được xem là nguyên nhân lật xe ô tô. Khi chạy đường mấp mô, gồ ghề, độ nghiêng hay độ dốc lớn… nếu không cẩn thận, nhất là chạy tốc độ cao xe sẽ rất dễ bị mất trọng tâm và kết quả là bị lật. Bên cạnh đó đường mưa ẩm ướt, trơn trượt cũng tiềm ẩn rủi ro xe bị trượt, dẫn đến xe mất lái và lật ngửa.
Người lái xe
Đến 90% vụ lật xe có liên quan đến thói quen người lái tại thời điểm xảy ra tai nạn. Và đến 85% xe bị lật dù không va chạm, đâm đụng với bất kỳ phương tiện nào khác. Đây là các số liệu mà Cục an toàn giao thông đường bộ Mỹ thống kê được.
Điều này cho thấy người lái xe đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố chi phối toàn bộ. Phần lớn nguyên nhân tai nạn đều bắt nguồn từ việc người lái xe mất tập trung, thiếu quan sát, chủ quan chạy tốc độ cao, lái xe sau khi sử dụng rượu bia…
Những kinh nghiệm giúp tránh xe ô tô bị lật
Để tránh rơi vào tình huống ô tô bị lật cực kỳ nguy hiểm, người lái xe nên tập trung, quan sát cẩn thận, chạy đúng tốc độ quy định, giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe… Khi chuẩn bị vào cua hay chạy đường trơn trượt thì nên giảm tốc độ để tránh xe bị thừa lái hay thiếu lái.
Ngoài ra cũng cần chú ý bảo dưỡng ô tô định kỳ, thường xuyên kiểm tra áp suất và độ mòn lốp xe, chọn các loại lốp xe có độ bám tốt. Hiện nay có nhiều hệ thống an toàn giúp tăng độ ổn định và cân bằng của xe như hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống chống lật xe… Khi mua ô tô, nhất là dòng SUV/CUV nên ưu tiên chọn những xe có các trang bị này.