Dấu hiệu nhận biết bô bin bị hỏng
Ngày:15/04/2024 lúc 09:28AM
Bô bin đánh lửa đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đánh lửa của động cơ. Việc tìm hiểu và nắm rõ chi tiết về bộ phận này sẽ giúp người dùng nhận biết sớm dấu hiệu bị lỗi và thay thế kịp thời. Hệ thống đánh lửa là một trong ba yếu tố quan trọng của động cơ đốt trong, bên cạnh sức nén và hỗn hợp hòa khí. Trong đó, bô bin là bộ phận đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống đánh lửa.
Bô bin đánh lửa ô tô là gì?
Bô bin hay bôbin (bobine) là một bộ phận thuộc hệ thống đánh lửa của xe ô tô có nhiệm vụ sinh ra các dòng điện cao áp giúp bugi phóng tia lửa điện để đốt cháy hỗn hợp hòa khí trong buồng đốt của động cơ. Quá trình đốt cháy này sẽ tạo ra áp suất đẩy piston dịch chuyển và truyền lực cho trục khuỷu để sinh công.
Cấu tạo của bô bin
Bô bin đánh lửa trên ô tô được cấu tạo từ 3 thành phần chính, gồm:
Lõi sắt nằm giữa bôbin, được chèn chặt trong ống carton cách điện.
Cuộn dây sơ cấp quấn quanh lõi sắt, đầu dây được nối với ắc quy và IC đánh lửa.
Cuộn dây thứ cấp cũng quấn quanh lõi sắt với số lượng nhiều hơn cuộn sơ cấp gấp 100 lần. Đầu dây thứ cấp được nối với ắc quy và bugi.
Nguyên lý hoạt động của bô bin đánh lửa
Bô bin được thiết kế để hoạt động như một biến áp, có nhiệm vụ sinh ra cao áp để tạo tia lửa.
Khi nổ máy động cơ, ECU động cơ sẽ phát ra tín hiệu thời điểm đánh lửa. Lúc này, ắc quy sẽ cho dòng điện chạy qua IC rồi đi vào cuộn sơ cấp để hình thành các đường sức từ.
Tiếp đó, IC nhanh chóng ngắt dòng điện để giảm từ thông, tạo ra sức điện động theo chiều chống lại sự giảm từ thông đó. Lúc này, cuộn thứ cấp cũng tạo ra một sức điện động khoảng 30kV, truyền tới bugi để hình thành tia lửa điện.
Bởi vì số vòng của cuộn thứ cấp nhiều gấp trăm lần so với cuộn sơ cấp nên sức điện động sinh ra bởi cuộn thứ cấp sẽ rất lớn. Ngoài ra, dòng điện trong cuộn sơ cấp càng lớn thì điện thế của cuộn thứ cấp cũng càng lớn.
Dấu hiệu nhận biết bô bin bị hỏng
Sau thời gian dài sử dụng, việc bô bin đánh lửa ô tô bị hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bô bin bị hỏng.
Xe xuất hiện khói đen, mùi lạ
Khi bô bin bị hỏng, các tia lửa điện mà bugi tạo ra sẽ bị yếu dẫn đến không đốt cháy hết nhiên liệu. Vì thế, khói đi ra từ ống xả sẽ có màu đen và có mùi nồng nặc do xăng chưa bị đốt cháy lẫn trong khí thải.
Tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn bình thường
Việc xe tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn mức bình thường có thể do nhiều nguyên nhân, một trong số đó có thể là do bô bin đánh lửa gặp sự cố. Khi bô bin bị hỏng, nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn nên để đảm bảo áp suất vận hành, động cơ phải tăng thêm lượng nhiên liệu bơm vào buồng đốt.
Động cơ bị rung giật, tốc độ không đều
Bô bin gặp trục trặc, điện áp tạo ra không đủ lớn khiến động cơ bị mất lửa, giảm công suất dẫn đến hiện tượng rung, giật, yếu hay tốc độ bị khựng lại và không đều. Hiện tượng này còn được gọi là bỏ máy (misfire engine).
Xe chết máy đột ngột
Bô bin đánh lửa bị hư hỏng có thể khiến xe đang di chuyển bị chết máy đột ngột do bugi không đánh lửa dẫn đến nhiên liệu không được đốt cháy tiếp.
Động cơ khó hoặc không khởi động
Bô bin gặp trục trặc có thể gây ra hiện tượng mất lửa ở một số hoặc tất cả xi-lanh, khiến công sinh ra rất ít hoặc không sinh công. Điều này khiến động cơ khó khởi động, thậm chí là không khởi động được.
Đèn báo lỗi động cơ Check Engine sáng
Đèn báo lỗi động cơ nhấp nháy hay bật sáng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm lỗi bộ phận bô bin đánh lửa. Do đó, khi thấy cảnh báo của đèn báo lỗi, người lái cần đem xe đến trung tâm sửa chữa kiểm tra và khắc phục kịp thời để không ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe.
Cách kiểm tra bô bin đánh lửa
Bô bin bị hỏng làm cho việc đánh lửa của động cơ bị lỗi, gây ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe ô tô. Vì vậy, người sử dụng xe cần kiểm tra thường xuyên để hạn chế hư hỏng và xử lý kịp thời.
Có 2 phương pháp kiểm tra bô bin lửa như kiểm tra tia lửa điện, kiểm tra điện trở cuộn dây. Trong đó, phương pháp kiểm tra tia lửa điện được sử dụng khá phổ biến vì thao tác đơn giản và độ chính xác cao.
Phương pháp kiểm tra này gồm 9 bước:
Bước 1: Tắt máy và mở nắp capô
Đây là bước đầu tiên để xác định vị trí chính xác của bô bin đánh lửa. Tùy thiết kế của xe, bô bin sẽ được lắp đặt ở vị trí khác nhau nhưng thông thường bộ phận này được bắt vít vào một khung gần bộ chia điện hoặc nối trực tiếp với bugi.
Bước 2: Tháo một trong những dây cao áp của bugi
Dây cao áp thường chạy từ bugi đến nắp bộ chia. Người thực hiện dây cao áp nên dùng găng tay cách điện, đồng thời đặt giấy hoặc vải che lại lỗ bugi để tránh bụi bẩn rơi vào trong.
Bước 3: Dùng tuýp mở bugi để tháo bugi
Sau khi tháo dây cao áp, bước tiếp theo là dùng dụng cụ chuyên dụng như tuýp mở bugi để tháo bugi ra. Bước này người thực hiện cần cẩn thận để vật lạ không rơi vào lỗ bugi.
Bước 4: Gắn bugi vào lại dây cao áp/dây điện
Dùng kiềm cách điện để lắp lại bugi vào dây cao áp hoặc dây điện. Lưu ý rằng bugi được nối với bộ chia điện nhưng không đặt trong lỗ lắp bugi.
Bước 5: Chạm phần ren của bugi vào kim loại trên động cơ
Sử dụng kìm hoặc đeo găng tay cách điện để khéo léo đặt bugi sao cho phần “ren” của bugi chạm vào một phần kim loại bất kỳ trên động cơ.
Bước 6: Tháo cầu chì hoặc rơ le bơm nhiên liệu
Trước khi khởi động lại động cơ để kiểm tra tia lửa bugi, hãy vô hiệu hóa bơm nhiên liệu bằng cách tháo rơ le bơm nhiên liệu hoặc cầu chì để không gây hư hại cho thiết bị.
Bước 7: Khởi động lại động cơ và quan sát bô bin
Nhờ một người khác bật chìa khóa xe và khởi động động cơ để cung cấp năng lượng cho hệ thống điện và bugi.
Bước 8: Quan sát màu sắc tia lửa
Khi khởi động động cơ, nếu người dùng nhận thấy tia lửa màu xanh là dấu hiệu bô bin đánh lửa hoạt động bình thường . Tia sáng này có thể nhìn thấy qua khe hở bugi và đặc biệt rõ ràng nếu quan sát vào ban ngày.
Nếu tia lửa màu cam xuất hiện nghĩa là bô bin cung cấp điện không đủ cho bugi do lỗi kết nối, vỏ bọc cuộn dây bị hỏng,...và khi không nhìn thấy tia lửa, có thể bô bin đã bị hỏng và cần được thay thế.
Bước 9: Lắp lại bugi và nối lại dây điện
Sau khi kiểm tra tia lửa, lái xe tắt máy xe và thao tác lắp lại bugi theo các bước: Rút bugi ra khỏi dây cao áp, lắp lại vào lỗ và cắm lại vào dây cao áp. Bô bin là một trong ba bộ phận quan trọng nhất của hệ thống đánh lửa, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của động cơ. Do đó, người dùng xe ô tô cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của bộ phận này để phát hiện sớm hư hỏng và thay thế kịp thời.
>> Tìm hiểu ngay: