Các hạng mục bảo dưỡng ô tô
Ngày:13/04/2024 lúc 14:35PM
Lịch bảo dưỡng xe ô tô gồm các hạng mục gì? Quy định thời gian ra sao? Chi phí bao nhiêu? Nên bảo dưỡng ô tô tại hãng hay gara ngoài?
Mục đích bảo dưỡng ô tô là gì?
Không chỉ riêng ô tô mà bất kỳ cơ cấu máy móc nào cũng sẽ bị hao mòn theo thời gian. Mục đích của bảo dưỡng là khắc phục những hao mòn này, nhờ đó mà các hệ thống trong xe có thể làm việc ở trạng thái tốt nhất. Bảo dưỡng ô tô định kỳ đúng hạn sẽ giúp xe hạn chế hư hỏng, hoạt động ổn định, nâng cao tuổi thọ, đáp ứng tốt các quy định về an toàn và môi trường.
Các hạng mục bảo dưỡng ô tô
Thay dầu động cơ: Thay thế định kỳ sau mỗi 5.000 km hoặc 6 tháng. Dầu động cơ có tác dụng bôi trơn, làm mát, làm sạch, chống gỉ… cho động cơ ô tô. Nếu dầu động cơ không được thay thế định kỳ sẽ khiến động cơ nhanh hào mòn, dễ bị hư hại, xe bị nóng máy…
Thay lọc dầu động cơ: Thay thế định kỳ sau mỗi 10.000 km. Lọc dầu động cơ có tác dụng loại bỏ cặn bẩn trước khi dầu tham gia vào chu trình bôi trơn mới. Nếu lọc dầu không được thay thế định kỳ thì chất lượng dầu nhớt sẽ bị ảnh hưởng.
Thay lọc gió động cơ: Vệ sinh định kỳ sau mỗi 10.000 km, thay thế định kỳ sau mỗi 20.000 – 30.000 km. Lọc gió động cơ có tác dụng loại bỏ bụi bẩn trong không khí trước khi không khí đi vào buồng đốt. Nếu lọc gió không được thay thế định kỳ thì lọc có thể bị tắc nghẹt do bám nhiều bụi bẩn. Điều này gây cản trở không khí đi vào buồng đốt, ảnh hưởng đến tỉ lệ hoà khí.
Thay lọc nhiên liệu: Thay thế định kỳ sau mỗi 40.000 km hoặc 2 năm. Lọc nhiên liệu có tác dụng loại bỏ các tạp chất trước khi nhiên liệu đi vào buồng đốt. Nếu lọc nhiên liệu không được thay thế định kỳ, nhiên liệu có thể bị nhiễm bẩn làm giảm hiệu quả đốt cháy, ảnh hưởng đến công suất động cơ.
Thay bugi: Vệ sinh định kỳ sau mỗi 20.000 km, thay thế định kỳ sau mỗi 40.000 km với bugi thường, sau mỗi 100.000 km với bugi Iridi. Bugi có nhiệm vụ tạo ra tia lửa đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu và không khí để động cơ sinh công. Sau thời gian dài làm việc bugi dễ bị bẩn, mòn, chảy… dẫn đến đánh lửa yếu, đánh lửa chậm, không đánh lửa… do đó cần vệ sinh và thay thế định kỳ.
Vệ sinh kim phun: Vệ sinh định kỳ sau mỗi 20.000 km. Kim phun có nhiệm vụ phun nhiên liệu để tạo ra sự cháy bên trong buồng đốt. Sau thời gian dài làm việc, kim phun thường bị bám nhiều muội than, cặn bẩn do đó cần vệ sinh.
Thay nước làm mát động cơ: Kiểm tra, bổ sung định kỳ sau mỗi 10.000 km, thay thế định kỳ sau mỗi 40.000 – 60.000 km. Nước làm mát có tác dụng làm mát cho động cơ ô tô. Sau thời gian dài làm việc, nước làm mát ô tô dễ bị bẩn, biến chất… nên cần kiểm tra và thay thế định kỳ.
Kiểm tra điều chỉnh khe hở xu páp: Kiểm tra định kỳ sau mỗi 40.000 km. Khi động cơ làm việc, do xu páp tiếp xúc với khí cháy nhiệt độ cao nên dễ bị giãn nở. Do đó cần có khe hở để khi bị giãn nở vẫn có thể đóng kín vào cuối kỳ nén. Tuy nhiên nếu khe hở quá lớn thì lại khiến thời điểm đóng/mở của xu páp bị sai lệch. Do đó cần thường xuyên kiểm tra điều chỉnh khe hở xu páp về đúng chuẩn.
Thay đai truyền động trục cam: Thay thế định kỳ sau mỗi 100.000 km. Dây curoa cam giúp kết nối bánh đà trục cam và trục khuỷu để tạo nên sự chuyển động đồng bộ và ăn khớp với nhau. Sau thời gian dài làm việc, dây đai cam thường bị mòn, nứt… do đó cần thay thế định kỳ.
Kiểm tra các dây đai trên động cơ: Kiểm tra định kỳ sau mỗi 100.000 km (thay thế nếu cần). Dây đai động cơ giúp động cơ dẫn động cho hệ thống điều hoà, bơm két nước, bơm trợ lực lái, máy phát điện… Sau thời gian dài làm việc, dây đai dễ bị mòn, nứt… do đó cần kiểm tra định kỳ để thay thế kịp thời khi bị xuống cấp.
Kiểm tra điều chỉnh tốc độ không tải: Kiểm tra định kỳ sau mỗi 100.000 – 120.000 km. Van điều khiển không tải giúp điều khiển tốc độ động cơ ở chế độ không tải. Sau thời gian dài làm việc, đôi khi van sẽ bị sai lệch nên cần kiểm tra và điều chỉnh lại.
Thay dầu hộp số: Thay thế định kỳ sau mỗi 40.000 – 60.000 km. Dầu hộp số có tác dụng bôi trơn, làm sạch, chống gỉ sét cho các chi tiết bên trong hộp số. Sau thời gian dài làm việc, dầu hộp số sẽ bị bẩn, biến chất, độ nhớt không đảm bảo… nên cần thay thế định kỳ.
Thay dầu cầu (dầu truyền động): Thay thế định kỳ sau mỗi 40.000 km. Dầu cầu có tác dụng bôi trơn, giảm lực ma sát cho hệ thống truyền động.
Kiểm tra, bảo dưỡng phanh trước/sau: Kiểm tra định kỳ sau mỗi 10.000 km hoặc 6 tháng. Hệ thống phanh ô tô phải làm việc với tần suất cao trong điều kiện khắc nghiệt do lực ma sát lớn. Vì thế cần kiểm tra thường xuyên. Các hạng mục kiểm tra phanh bao gồm kiểm tra má phanh, xi lanh phanh, bầu trợ lực phanh, chân phanh, phanh ABS…
Kiểm tra, điều chỉnh phanh đỗ: Kiểm tra định kỳ sau mỗi 20.000 – 40.000 km. Hệ thống phanh đỗ giúp cố định khi xe đỗ. Phanh đỗ tuy chịu tải ít hơn phanh chân nhưng hoạt động nhiều hơn nên cũng cần kiểm tra, điều chỉnh định kỳ.
Thay dầu phanh: Kiểm tra định kỳ sau mỗi 10.000 km, thay thế định kỳ sau mỗi 2 – 3 năm. Dầu phanh có tác dụng truyền lực giúp hệ thống phanh hoạt động. Tuy nhiên sau thời gian dài làm việc, dầu phanh thường bị nhiễm nước do đặc tính dễ hút ẩm, ngoài ra dầu cũng bị nhiễm bẩn. Do đó cần thay thế định kỳ.
Thay dầu trợ lực lái: Kiểm tra định kỳ sau mỗi 10.000 km, thay thế định kỳ sau mỗi 60.000 – 80.000 km. Dầu trợ lực lái có tác dụng truyền lực đẩy thanh răng giúp vô lăng xoay chuyển nhẹ nhàng hơn.
Đảo lốp xe: Đảo lốp định kỳ sau mỗi 10.000 km. Vì trọng lượng phân phối ở các trục xe không đều nên lốp xe sẽ mòn không đều. Do đó cần đảo lốp định kỳ để giúp các lốp mòn đều, tận dụng tối đa tuổi thọ của lốp xe.
Kiểm tra hệ thống điều hoà, quạt, sưởi: Kiểm tra định kỳ mỗi 5.000 km hoặc 6 tháng. Kiểm tra vệ sinh lọc gió điều hoà, vệ sinh dàn lạnh (sau mỗi 40.000 km), thay phin lọc ga (sau mỗi 2 năm), kiểm tra ga/bổ sung ga lạnh nếu thiếu…
Kiểm tra van thông gió, hộp các te, các đường ống và đầu nối: Kiểm tra định kỳ mỗi 20.000 – 40.000 km.
Kiểm tra rô tuyn, cao su chắn bụi: Kiểm tra định kỳ mỗi 10.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra hệ thống treo (giảm xóc, lò xò…), cao su chắn bụi trục truyền động: Kiểm tra định kỳ mỗi 10.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra hệ thống xả: Kiểm tra định kỳ mỗi 10.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra nắp bình xăng, đường ống, đầu nối hệ thống nhiên liệu: Kiểm tra định kỳ mỗi 10.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra độ rơ vô lăng, các thanh liên kết, thước lái: Kiểm tra định kỳ mỗi 10.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra nước rửa kính, cần gạt mưa: Kiểm tra định kỳ mỗi 5.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra hệ thống còi xe: Kiểm tra định kỳ mỗi 5.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn lốp xe: Kiểm tra định kỳ mỗi 5.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra bình ắc quy, độ mòn điện cực: Kiểm tra định kỳ mỗi 5.000 km hoặc 6 tháng.
Kiểm tra hệ thống đèn xe: Kiểm tra định kỳ mỗi 5.000 km hoặc 6 tháng.
Quy định thời gian bảo dưỡng xe ô tô
Theo lịch bảo dưỡng ô tô của các hãng xe, mốc bảo dưỡng thường được tính theo kilomet hoặc thời gian vận hành xe, tuỳ theo trường hợp nào đến trước. Đa phần người ta sẽ theo dõi lịch bảo dưỡng dựa trên số kilomet xe đã đi được.
Tuy nhiên thời gian cũng là yếu tố quan trọng cần xem xét khi bảo dưỡng xe. Dù ô tô chưa đi đủ số kilomet quy định nhưng đã đến thời hạn bảo dưỡng thì cũng cần đưa xe đi bảo dưỡng.
Các cấp bảo dưỡng ô tô theo km và thời gian
Bảo dưỡng cấp 1 (5.000 km)
Bảo dưỡng cấp 1 tiến hành khi xe đã đi được 5.000 km hoặc sau mỗi 3 tháng tuỳ theo trường hợp nào đến trước. Các hạng mục bảo dưỡng cấp 1 ô tô bao gồm:
Thay dầu động cơ
Kiểm tra nước rửa kính, cần gạt mưa
Kiểm tra hệ thống còi xe
Kiểm tra hệ thống điều hoà, quạt, sưởi…
Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn lốp xe
Kiểm tra bình ắc quy, độ mòn điện cực
Kiểm tra hệ thống đèn xe
Bảo dưỡng cấp 2 (10.000 km)
Bảo dưỡng cấp 2 tiến hành khi xe đã đi được 10.000 km hoặc sau mỗi 6 tháng tuỳ theo trường hợp nào đến trước. Các hạng mục bảo dưỡng cấp 2 ô tô bao gồm:
Các hạng mục bảo dưỡng cấp 1
Thay lọc dầu động cơ
Vệ sinh lọc gió động cơ
Kiểm tra/bổ sung nước làm mát
Kiểm tra/bổ sung dầu trợ lực lái
Kiểm tra/bổ sung dầu phanh
Kiểm tra, bảo dưỡng phanh trước/sau
Kiểm tra rô tuyn, cao su chắn bụi
Kiểm tra hệ thống treo, cao su chắn bụi trục truyền động
Kiểm tra hệ thống xả
Kiểm tra nắp bình xăng, đường ống, đầu nối hệ thống nhiên liệu
Kiểm tra độ rơ vô lăng, các thanh liên kết, thước lái
Đảo lốp
Bảo dưỡng cấp 3 (20.000 – 30.000 km)
Bảo dưỡng cấp 3 tiến hành khi xe đã đi được 20.000 – 30.000 km hoặc sau 1 năm tuỳ theo trường hợp nào đến trước. Các hạng mục bảo dưỡng cấp 3 ô tô bao gồm:
Các hạng mục bảo dưỡng cấp 2
Thay lọc gió động cơ
Vệ sinh bugi
Kiểm tra, điều chỉnh phanh đỗ
Bảo dưỡng cấp 4 (40.000 – 60.000 km)
Bảo dưỡng cấp 4 tiến hành khi xe đã đi được 40.000 – 60.000 km hoặc sau 2 – 3 năm tuỳ theo trường hợp nào đến trước. Các hạng mục bảo dưỡng cấp 4 ô tô bao gồm:
Các hạng mục bảo dưỡng như cấp 3
Kiểm tra điều chỉnh khe hở xu páp
Thay lọc nhiên liệu
Thay nước làm mát động cơ
Thay dầu phanh
Thay dầu trợ lực lái
Thay dầu hộp số
Thay dầu cầu
Thay bugi (nếu dùng loại bugi thường)
Bảo dưỡng cấp cao (80.000 – 100.000 km)
Bảo dưỡng cấp 5 tiến hành khi xe đã đi được 80.000 – 100.000 km hoặc sau 4 – 5 năm tuỳ theo trường hợp nào đến trước. Đồng thời cũng áp dụng khi bảo dưỡng xe ô tô cũ ở mốc 4 – 5 năm hay 9 – 10 năm. Các hạng mục bảo dưỡng cấp 5 ô tô bao gồm:
Các hạng mục bảo dưỡng như cấp 4
Kiểm tra, thay đai truyền động trục cam nếu đã xuống cấp
Kiểm tra các dây đai trên động cơ, thay thế nếu đã xuống cấp
Kiểm tra điều chỉnh tốc độ không tải
Các cấp, hạng mục bảo dưỡng trên đây chỉ mang tính tham khảo chung. Mỗi hãng xe, mỗi mẫu xe có thể có các cấp, hạng mục bảo dưỡng khác nhau tuỳ theo đặc thù riêng của từng hãng xe, mẫu xe.
Lịch bảo dưỡng và thay phụ tùng các hãng xe
Lịch bảo dưỡng xe Toyota
Theo lịch bảo dưỡng xe Toyota, xe cần được bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 5.000 km. Toyota Việt Nam phân nội dung bảo dưỡng định kỳ thành 4 cấp sau:
Bảo dưỡng cấp nhỏ: 5.000 km – 15.000 km – 25.000 km – 35.000 km…
Bảo dưỡng cấp trung bình: 10.000 km – 30.000 km – 50.000 km – 70.000 km…
Bảo dưỡng cấp trung bình lớn: 20.000 km – 60.000 km – 100.000 km – 140.000 km…
Bảo dưỡng cấp lớn: 40.000 km – 80.000 km – 120.000 km – 160.000 km…
Lịch bảo dưỡng xe Honda
Theo lịch bảo dưỡng xe Honda, xe cần được bảo dưỡng lần đầu sau 1.000 km đầu tiên. Các lần bảo dưỡng định kỳ tiếp theo là sau mỗi 5.000 km hoặc sau từ 3 – 6 tháng (tuỳ trường hợp nào đến trước). Trong đó đặc biệt có các mốc quan trọng sau: 20.000 km, 40.000 km, 60.000 km, 100.000 km, 120.000 km, 140.000 km, 160.000 km, 180.000 km, 200.000 km…
Lịch bảo dưỡng xe Mazda
Theo lịch bảo dưỡng xe Mazda, xe cần được bảo dưỡng lần đầu sau 1.000 km đầu tiên. Các lần bảo dưỡng định kỳ tiếp theo là sau mỗi 5.000 km hoặc sau từ 3 – 6 tháng (tuỳ trường hợp nào đến trước) với các mốc cụ thể như 5.000 km, 10.000 km, 15.000 km, 20.000 km, 25.000 km…
Lịch bảo dưỡng xe Kia
Theo lịch bảo dưỡng xe Kia, xe cần được bảo dưỡng lần đầu sau 1.000 km đầu tiên. Các lần bảo dưỡng định kỳ tiếp theo là sau mỗi 5.000 km hoặc từ 3 – 6 tháng (tuỳ trường hợp nào đến trước) với các mốc cụ thể như 5.000 km, 10.000 km, 15.000 km, 20.000 km, 25.000 km…
Lịch bảo dưỡng xe Hyundai
Theo lịch bảo dưỡng xe Hyundai, xe cần được bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 5.000 km. Hyundai phân nội dung bảo dưỡng định kỳ thành 4 cấp sau:
Bảo dưỡng cấp 1: 5.000 km – 15.000 km – 25.000 km…
Bảo dưỡng cấp 2: 10.000 km – 30.000 km – 50.000 km…
Bảo dưỡng cấp 3: 20.000 km – 60.000 km – 100.000 km…
Bảo dưỡng cấp 4: 40.000 km – 80.000 km – 120.000 km…
Lịch bảo dưỡng xe Ford
Theo lịch bảo dưỡng xe Ford, xe cần được bảo dưỡng lần đầu sau 1.000 km đầu tiên. Các lần bảo dưỡng định kỳ tiếp theo là 10.000 km, 20.000 km, 30.000 km, 40.000 km, 50.000 km, 60.000 km, 70.000 km, 80.000 km, 90.000 km, 100.000 km, 110.000 km, 120.000 km, 130.000 km, 140.000 km, 150.000 km, 160.000 km…
Lịch bảo dưỡng xe Mitsubishi
Theo lịch bảo dưỡng xe Mitsubishi, xe cần được bảo dưỡng lần đầu sau 1.000 km đầu tiên. Các lần bảo dưỡng định kỳ tiếp theo là sau mỗi 5.000 km hoặc sau 4 tháng (tuỳ trường hợp nào đến trước).
Lịch bảo dưỡng xe VinFast
Theo lịch bảo dưỡng xe VinFast, xe cần được bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 7.500 km hoặc sau mỗi 6 tháng (tuỳ theo điều kiện nào đến trước).
Lịch bảo dưỡng xe Mercedes
Theo lịch bảo dưỡng xe Mercedes, xe cần được bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 8.000 km hoặc sau mỗi 12 tháng (tuỳ theo điều kiện nào đến trước).
Trên đây chỉ là lịch bảo dưỡng chung của các hãng xe. Lịch bảo dưỡng chi tiết của mỗi mẫu xe có thể khác nhau. Để biết chính xác lịch bảo dưỡng định kỳ của xe mình, chủ xe có thể tham khảo trong Sổ hướng dẫn sử dụng xe, Sổ bảo hành xe hay liên hệ trực tiếp đến hãng xe để được tư vấn chi tiết.
Một số hãng xe hiện nay có ứng dụng theo dõi và nhắc nhở lịch bảo dưỡng xe. Một số hãng xe hạng sang còn cả dịch vụ gọi điện nhắc khách hàng khi xe đến kỳ hạn bảo dưỡng. Chủ xe có thể tham khảo sử dụng những ứng dụng hay dịch vụ này để bảo dưỡng xe đúng hạn.
Chi phí bảo dưỡng xe ô tô
Chi phí bảo dưỡng xe ô tô phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: bảng giá bảo dưỡng & thay thế phụ tùng riêng của từng hãng xe, cấp độ bảo dưỡng, tình trạng xe, dòng xe, loại xe… Tuy nhiên nhìn chung, giá bảo dưỡng của các dòng xe ô tô phổ thông thường dao động trong khoảng:
Chi phí bảo dưỡng cấp 1 tầm 800.000 – 1.500.000 đồng
Chi phí bảo dưỡng cấp 2 tầm 1.200.000 – 2.500.000 đồng
Chi phí bảo dưỡng cấp 3 tầm 2.000.000 – 4.000.000 đồng
Chi phí bảo dưỡng cấp 4 tầm 6.000.000 – 10.000.000 đồng
Quy trình bảo dưỡng xe ô tô
Thông thường quy trình bảo dưỡng xe ô tô sẽ gồm các bước sau:
Bước 1: Khách hàng đặt lịch hẹn
Bước 2: Khách hàng đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng theo đúng lịch hẹn
Bước 3: Trung tâm bảo dưỡng tiếp nhận và kiểm tra xe
Bước 4: Trung tâm bảo dưỡng thông báo đến khách hàng các hạng mục cần bảo dưỡng hay sửa chữa (nếu có), báo giá chi tiết các hạng mục
Bước 5: Trung tâm bảo dưỡng tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa (nếu có), vệ sinh xe…
Bước 6: Trả xe, khách hàng kiểm tra và nhận xe
Có nên bảo dưỡng xe ô tô ở hãng?
Nguyên nhân nhiều người phân vân nên bảo dưỡng ô tô tại hãng hay gara ngoài chủ yếu là do chi phí. Thông thường chi phí bảo dưỡng xe ở gara ngoài thấp hơn so với bảo dưỡng ở hãng. Nguyên nhân đa phần là vì gara ở ngoài có chi phí vận hành thấp, quy trình bảo dưỡng linh hoạt hơn nên giúp tiết giảm khá nhiều các khoản chi, giá phụ tùng linh kiện thay thế thấp hơn…
Vậy nên bảo dưỡng ô tô ở ngoài hay ở hãng? Theo kinh nghiệm của nhiều người, bảo dưỡng ô tô ở gara ngoài tuy chi phí thấp nhưng cũng đi kèm không ít rủi ro, thường gặp nhất là bị thay phụ tùng “dỏm” không rõ nguồn gốc, thợ không có nhiều kinh nghiệm nên bảo dưỡng sai cách hay gặp sai sót… Điều này không có nghĩa rằng cứ bảo dưỡng ở gara ngoài là sẽ gặp tình trạng này. Nhưng thực tế ai cũng thấy đó là bảo dưỡng ở gara ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong khi đó, bảo dưỡng ở hãng có tính đảm bảo cao hơn. Bảo dưỡng hãng có quy trình làm việc nghiêm ngặt, phụ tùng thay thế là hàng chính hãng đảm bảo chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt… Đặc biệt thợ kỹ thuật ở hãng thường am hiểu về những đặc thù của xe hơn, có kinh nghiệm phát hiện và xử lý vấn đề tốt hơn.
Bảo dưỡng ô tô ở hãng có tính đảm bảo cao hơnNếu xe còn đang trong thời gian bảo hành thì hiển nhiên nên đưa xe đến bảo dưỡng tại hãng. Nếu xe đã hết thời gian bảo hành, chủ xe muốn tiết kiệm chi phí vẫn có thể đưa xe bảo dưỡng tại gara ngoài. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ nên chọn các gara uy tín, có độ tin cậy cao.
Còn để nói lựa chọn nào là an tâm, có tính đảm bảo cao thì vẫn là bảo dưỡng xe tại hãng. Đặc biệt với các dòng ô tô hạng sang hay các dòng xe chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam như Mercedes, Audi, BMW, Lexus, Volvo, Subaru, Volkswagen, Land Rover… nên bảo dưỡng tại hãng.